Khi nói về cách DẠY CON QUẢN LÝ TIỀN, nhiều cha mẹ quan niệm rằng trẻ con chưa biết gì cho nên không cần thiết phải chú trọng. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của ĐH Cambridge (Anh), thói quen tài chính của đứa trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi, và đó là lời nhắc nhở cho cha mẹ hãy xây dựng, vun đắp cho con sự thông minh về tiền bạc ngay từ thời điểm này. Giáo dục sớm về tiền bạc giúp trẻ định hình đúng vai trò, hiểu được giá trị mà đồng tiền mang lại và nhất là biết quản lý tài chính ngay từ khi được dùng tiền để chi tiêu. Vậy nên bắt đầu từ đâu?
1. Cho Trẻ Hiểu Giá Trị Của Đồng Tiền
Trẻ không tự nhiên mà biết được "Tiền Từ Đâu Mà Có?". Vậy nên, để rèn luyện tốt kỹ năng quản lý tài chính cho trẻ, cha mẹ nên dạy con hiểu về giá trị của tiền bạc. Trẻ cần được biết tiền chỉ được kiếm ra bằng cách làm việc chăm chỉ và nghiêm túc, chứ không phải có sẵn.
Cha mẹ nên dạy trẻ cách tự “kiếm tiền” thông qua một số hoạt động như: Cho con làm các công việc bán thời gian, làm đồ thủ công, làm bánh handmade ...Qua đó, trẻ biết quý trọng giá trị đồng tiền vì đây là số tiền mình tự kiếm được bằng chính sức lao động của mình.
2. Dạy trẻ cách tiết kiệm và phân loại tiết kiệm
Mỗi lúc trẻ nhận được một số tiền nào đó như tiền thưởng học tập, tiền sinh nhật, tiền lì xì lễ tết… cha mẹ hãy hướng dẫn con phân chia số tiền cho 4 chiếc hộp và mỗi chiếc sẽ được dán nhãn và sử dụng vào mục đích nhất định: Hộp TIẾT KIỆM: Đầu tư cho tương lai 10% Hộp TRẢI NGHIỆM / NHỮNG THỨ CẦN THIẾT: 70% Hộp GIẢI TRÍ / MONG MUỐN: 15% Hộp CHO ĐI / GIÚP ĐỠ: 5%
Bằng cách này, trẻ hiểu rõ Tiền là hữu hạn và điều quan trọng là phải đưa ra những lựa chọn khôn ngoan, vì một khi con tiêu hết số tiền mình có, trẻ sẽ không còn tiền nữa. Nên duy trì các hoạt động về tiết kiệm, chi tiêu và sử dụng 4 chiếc hộp phân bổ tiền, hay thiết lập mục tiêu; cha mẹ nên cân nhắc cho con bắt đầu tham gia vào các quyết định tài chính của gia đình.
Các nội dung liên quan:
3. Giúp trẻ xác nhận rõ nhu cầu "CẦN" hay "MUỐN" của bản thân
Trẻ con luôn muốn sở hữu tất cả những gì chúng thích. Điều này sẽ khiến trẻ trở thành người chi tiêu theo cảm xúc, vì vậy điều quan trọng bạn cần làm là nên cho con tham gia việc lập danh mục món hàng cần mua sắm, đồng thời dạy cho trẻ khái niệm “muốn” và “cần”. “Cần Mua” là những thứ buộc phải có trong sinh hoạt và phục vụ cho đời sống cá nhân. “Muốn Mua” là những đồ phục vụ cho sở thích, không đáp ứng các nhu cầu thiết yếu. Khi trẻ đòi hỏi thứ gì, bạn nên hỏi rõ: "Theo con, đây là thứ con cần mua hay con muốn mua." Cùng con thảo luận về sự khác biệt giữa “nhu cầu” và ”mong muốn”, đồng thời khuyến khích con suy nghĩ về những điều này trước khi tiêu tiền. Ví dụ: Tại một cửa hàng, con xin mua một món đồ chơi mới đang nổi tiếng, thay vì phớt lờ con, hãy nói chuyện với con xem đó có phải là thứ thực sự quan trọng đối với con không, hay đó chỉ là một sự chi tiêu theo cảm xúc nhất thời, không cần thiết.
Khi trẻ hiểu mối quan hệ giữa chi tiêu và tiết kiệm càng sớm, con sẽ càng lành mạnh trong cách xài tiền.
Comments