top of page

Vì sao bạn thường không nhận ra thiếu sót của bản thân?

Thật khó và mất thời gian để bạn tự nhận ra thiếu sót của chỉnh mình. Chúng ta thường tin rằng hành động của mình là đúng cho đến khi có kết quả không tốt xảy ra hoặc có ai đó nói rằng đó là sai lầm. Mọi người vẫn thường tự đánh giá khả năng nhận thức của bản thân cao hơn năng lực thực tế.


Nguyên nhân đến từ việc chúng ta chưa thực sự thành thật với chính bản thân mình và không tự đánh giá năng lực bản thân một cách cự thể và chính xác. Tâm lý học gọi đó là Hiệu ứng Dunning–Kruger.

1. Hiệu ứng Dunning–Kruger là gì?

Hiệu ứng Dunning–Kruger là một dạng thiên kiến nhận thức trong đó mọi người đánh giá khả năng nhận thức của họ cao hơn năng lực thực tế.


Hiệu ứng này cho thấy rằng khi chúng ta không biết điều gì đó, chúng ta không nhận thức được sự thiếu kiến ​​thức của chính mình. Nói cách khác, chúng ta không biết những gì chúng ta không biết. Nói một cách đơn giản, chúng ta cần có ít nhất một số kiến ​​thức về một chủ đề để có thể xác định chính xác những gì chúng ta chưa biết.

Nếu bạn chưa bao giờ học hóa học, lái máy bay hoặc xây nhà, làm thế nào bạn có thể xác định chính xác những gì bạn không biết về chủ đề đó?


Hai nhà tâm lý học xã hội David Dunning và Justin Kruger đưa những ý tưởng này đi xa hơn một bước, cho thấy rằng chúng ta càng kém năng lực trong một lĩnh vực nhất định, chúng ta càng có nhiều khả năng 'vô tình' phóng đại năng lực của chính mình. Những người bị ảnh hưởng không biết rằng họ đang đánh giá quá cao khả năng của bản thân.

Ví dụ:

Tại nơi làm việc, hiệu ứng Dunning-Kruger có thể khiến mọi người khó nhận ra và sửa chữa hiệu quả kém của họ. Đó là lý do tại sao nhà tuyển dụng tiến hành đánh giá hiệu suất, nhưng không phải tất cả nhân viên đều dễ tiếp thu những lời phê bình mang tính xây dựng.

Thật dễ dàng để tìm kiếm một cái cớ - ​​chẳng hạn như người đánh giá không thích bạn - trái ngược với việc nhận ra và sửa chữa những sai sót mà bạn không biết là mình đã mắc phải.


Tìm hiểu thêm:


2. Hiệu ứng Dunning–Kruger hoạt động như thế nào?

"Ta không biết những gì ta không biết" - hiệu ứng Dunning-Kruger đại ý là như vậy. Nhìn hình, ta thấy quá trình trải qua "hiểu biết" của một người:

  • Khi mới tiếp cận một vấn đề, ta có xu hướng tăng nhanh sự tự tin rằng đã hiểu hết tất cả.

  • Khi tự tin ở mức cao nhất có thể ta đang ở "Đỉnh núi của sự ngu ngốc".

  • Nhưng rồi ta nhanh chóng phát hiện ra mình chưa thực sự hiểu vấn đề và mức độ tự tin lao đầu đi xuống. Thậm chí ta bắt đầu tự ti. Cho tới khi ta gặp "Thung lũng thất vọng"

  • Bởi vì nhận ra mình đã sai, ta lại tiếp tục học hỏi nhiều hơn, sự tự tin dần trở lại.

  • Quá trình tái học hỏi càng nhanh, càng sớm đi tới con đường "Dốc nghiêng khai sáng".

  • Quá trình này, gần như không thể tránh khỏi! Với bất kỳ ai!

Nhưng có một điều ta có thể rút kinh nghiệm từ hiệu ứng Dunning-Kruger Effect là: Hãy khoan tự tin về bất kỳ điều gì khi ta chỉ mới tiếp cận. Đừng chỉ "lướt trên bề mặt"!

Và sẽ tác hại thế nào nếu ta đem điều đó đi chia sẻ với người khác: ta sẽ khiến người khác cũng sai.

3. Vượt qua hiệu ứng Dunning-Kruger

Dưới đây là một số mẹo khác để áp dụng khi bạn nghĩ rằng hiệu ứng Dunning-Kruger đang hoạt động:


KHÔNG NÓNG VỘI - KHÔNG NGỪNG HỌC HỎI

Mọi người có xu hướng cảm thấy tự tin hơn khi họ đưa ra quyết định nhanh chóng. Nếu bạn muốn tránh hiệu ứng Dunning-Kruger, hãy dừng lại và dành thời gian để đào sâu hơn về quyết định của bạn. Bạn sẽ nhận ra tất cả kiến thức bạn biết mới chỉ là một nhánh thậm chí là một chiếc lá trên một cái cây.


RÈN LUYỆN TƯ DUY ĐA CHIỀU

Với sự hiểu biết của bản thân, bạn có những định kiến và định nghĩa của riêng mình? Đừng chỉ dựa vào góc nhìn của riêng bản thân mình để đánh giá toàn bộ vấn đề. Đóng vai người biện hộ cho "người đối lập" quan điểm của bạn: Bạn có thể đưa ra lập luận phản bác hoặc bác bỏ ý kiến ​​của riêng mình. Làm được điều này, bạn sẽ không còn là "Thầy bói xem voi nữa", bạn sẽ có thể dừng trên cao và nhìn ngắm mọi góc của chú voi.


HỌC CÁCH LẮNG NGHE

Nếu bạn không thể phản biện chính mình, hãy tìm đến nhiều người hơn để lắng nghe quan điểm của họ. Góc nhìn của người khác có thể giúp bạn nhận ra điểm mù của chính mình. Tất nhiên, bạn nên tìm đến những người có mối quan tâm chung, có kinh nghiệm, hoặc chuyên gia của lĩnh vực bạn muốn tìm hiểu.


THẤT BẠI LÀ BÀI HỌC

Trong công việc, hãy xem xét những lời phê bình một cách nghiêm túc. Xem xét lạ những tuyên bố mà bạn không đồng ý bằng cách yêu cầu bằng chứng hoặc ví dụ về cách bạn có thể cải thiện. Bất cứ ai cũng có thể đưa ra cho bạn bài học.


SỞ HỮU TƯ DUY CỞI MỞ

Hãy cởi mở để học những điều mới. Sự tò mò và tiếp tục học hỏi có thể là cách tốt nhất để tiếp cận một nhiệm vụ, chủ đề hoặc khái niệm nhất định và tránh những thành kiến ​​như hiệu ứng Dunning-Kruger.


Có một quy trình mà tôi hay thực hiện để khắc phục các đánh giá chủ quan của mình về một kiến thức mà tôi biết, gọi là: BIẾT - LÀM - KẾT - TẠO (BLKT).

  • Biết một điều gì đó chưa đủ để hiểu.

  • Làm thực tế để cảm nhận rõ lý thuyết và nhận ra mình đã nhận thức đúng hay sai.

  • Kết luận và đúc kết bằng những kinh nghiệm thực sự.

  • Tạo ra lý thuyết ngắn gọn, đi vào gốc rễ của vấn đề, của chính bạn!

Đừng chỉ "Lướt trên bề mặt", hãy lặn sâu xuống để trở nên thông thái hơn. Hiệu ứng Dunning-Kruger Effect không bỏ qua bất kỳ ai cả!


Nguồn tham khảo: Verywellmind



0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Commenti


bottom of page