top of page

Khen ngợi trẻ như thế nào cho phù hợp?

Lời khen mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho con người, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi tiểu học. Đây là chất xúc tác tạo nên động cơ hoạt động, học tập và phát triển nhận thức của trẻ. Khen ngợi đúng cách giúp trẻ hào hứng, vui vẻ, là phần thưởng tinh thần vô cùng quý giá. Tuy vậy, việc khen ngợi không đúng cách làm trẻ trở nên tự cao, tự đại, dễ hụt hẫng khi thất bại. Vì thế, vấn đề mà ba mẹ cần hết sức quan tâm chính là, khen ngợi con như thế nào là phù hợp? Sau đây sẽ là 5 cách khen ngợi mà ba mẹ càng dùng, con càng tự tin!

Mẹ và con cùng nhau chơi tô màu

1. Khen ngợi chân thành và trung thực

Đôi khi, chúng ta khen ngợi con cái nhằm mục đích nâng cao lòng tự trọng của chúng, động viên, khuyến khích một số hành vi nhất định hoặc bảo vệ trẻ khỏi những cảm giác bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu những lời động viên không được coi là chân thành và trung thực, trẻ sẽ không cảm thấy được khuyến khích nhiều.

Những lời khuyến khích không phù hợp với quan điểm của bản thân có thể bị coi là thiếu chân thành. Những lời động viên này sẽ bị giảm giá trị khi trẻ nghĩ về hành vi của chính mình trái ngược với lời khen ngợi. Sự khuyến khích như vậy có thể dẫn đến việc trẻ tự phê bình và thậm chí cố ý phá hoại để giải quyết sự khác biệt đó.

Động viên quá khích hoặc quá chung chung cũng có thể bị coi là thiếu chân thành vì lời khen càng chung chung thì càng ít có khả năng phù hợp với thực tế hiện có. Không khen ngợi trẻ một cách bộc phát hoặc khen ngợi chỉ để củng cố hoặc thao túng hành vi cũng được cho là không chân thành.

Ví dụ:

Không nên: Con đã nhường em cái bánh này sao? Con đúng là một thiên thần.

Nên: Con rất hào phóng khi đã nhường em cái bánh.

2. Mô tả cụ thể, chi tiết

Thay vì dùng những lời động viên, khen ngợi trẻ bằng những lời nhận xét mô tả và cụ thể. Những lời động viên càng ít chung chung thì càng có nhiều khả năng đúng với trên thực tế và được coi là chân thành .

Lời khen tích cực là động lực giúp trẻ cố gắng hơn trong mọi hoạt động. “Sứ mệnh của lời khen” là tạo động lực trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ. Vì thế, hãy để lời “điểm huyệt” đúng điều thuộc về thế mạnh của trẻ. Khi lời khen được diễn đạt với nội dung chân thực, cụ thể, nó còn có tác dụng hướng dẫn cho trẻ trong các hoạt động của mình. Hãy hạn chế những lời khen mang tính chung chung và phóng đại “Con thông minh quá!”, “Con rất tuyệt vời!”

Ví dụ:

Không nên: Thật là một bức tranh tuyệt vời!

Nên: Mẹ thấy cách con phối màu trên bản vẽ này trông hài hòa và đẹp đấy.

3. Không phải thành tích, mà khen ngợi những nỗ lực và quá trình

Một lý do khiến con người là động vật thông minh nhất trên Trái đất là vì chúng ta muốn học và hiểu nhân quả của các vấn đề. Cách chúng ta gán cho các sự kiện ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và phản ứng với các sự kiện trong tương lai.

Khi trẻ được khen ngợi vì những nỗ lực của chúng trong việc thực hiện một nhiệm vụ, chúng sẽ học cách gán thành công cho những nỗ lực của chúng. Vì nỗ lực là phẩm chất mà tất cả chúng ta đều có quyền kiểm soát và cải thiện, do đó, trẻ sẽ tập trung nhiều hơn vào việc nỗ lực rèn luyện hoặc phát triển các kỹ năng hơn là theo đuổi kết quả.

Khen ngợi khả năng gửi đi một thông điệp tinh tế rằng thành công trước đó là do những đặc điểm được khen ngợi. Khi đó thất bại có nghĩa là thiếu một khả năng cố định nào đó cần bổ sung. Những đứa trẻ mang tư duy này dễ dàng không phải chịu đựng sự bất lực dựa trên thành tích, dễ dàng phục hồi để thử lại sau khi trải qua thất bại.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những trẻ mới biết đi nhận được nhiều lời khen ngợi về quá trình hoạt động tốt hơn trong học tập 7 năm sau đó.

Ví dụ:

Không nên: Con đã lắp được bộ lego này! Con là một cậu bé thông minh!

Nên: Con đã lắp được bộ lego này! Mẹ thấy rằng con đã rất chăm chỉ, kiên nhẫn để ghép các mảnh lại với nhau.

4. Tránh kiểm soát hoặc khen ngợi có điều kiện

Khen trẻ như “Tốt! Mẹ biết con có thể làm tốt hơn nữa vào lần sau ” nhằm mục đích tạo động lực để con cố gắng hơn trong lần sau. Đối với một số bậc cha mẹ, đây có thể là những gì họ muốn, hoặc họ nghĩ rằng trẻ muốn.

Khen ngợi có điều kiện cũng đóng vai trò như một động lực bên ngoài và làm giảm động lực bên trong của trẻ. Những đứa trẻ này có xu hướng có lòng tự trọng kém ổn định.

Điều đó có nghĩa là những đứa trẻ cảm thấy giá trị bản thân phụ thuộc vào sự chấp thuận hoặc đánh giá từ người khác. Trẻ sẽ không muốn thử những điều mới, sợ sự mới lạ đồng nghĩa với việc trẻ sẽ khó hình thành nhiều kỹ năng để đạt được kết quả tốt trong tương lai. Những đứa trẻ này cũng kém sáng tạo hơn vì sự đổi mới có thể phá vỡ chuẩn mực văn hóa, trẻ trưởng thành sẽ bị phụ thuộc, khó đưa ra định hướng hơn và thích sự tuân thủ, làm theo người khác.

Ví dụ:

Không nên: Con đã đạt được điểm số cao, đúng như mong đợi của mẹ.

Nên: Wow, chúc mừng con, lần này con đã rất chăm chỉ và cẩn thận để có kết quả tốt.

5. Tránh so sánh khi khen ngợi

Bạn rất dễ rơi vào thói quen khuyến khích bằng cách so sánh. Rốt cuộc, đó là cách mà hầu hết chúng ta được lớn lên - chúng ta được so sánh trong trường học, trong thể thao, trong các hoạt động ngoại khóa, trong các kỳ thi đầu vào đại học, tại nơi làm việc,...

Đôi khi, những so sánh đó với người khác có thể thúc đẩy chúng ta học tập hoặc làm việc chăm chỉ hơn. Vấn đề là, nó cũng có thể phản tác dụng khi chúng ta thất bại.

Nếu trẻ đang tham gia thi chạy thì ba mẹ tuyệt đối không được so sánh con với bạn chạy nhanh hơn kiểu “con giỏi, con chạy nhanh hơn bạn A, bạn B” – khi có mặt của cả bạn A hoặc bạn B tại nơi đó!. Trẻ sẽ có tư tưởng hơn thua mà khó tiến bộ so với chính bản thân. Nếu cần thiết, chỉ nên động viên trẻ: “Bố/mẹ thấy con đã vượt thành tích mà con chạy hôm trước rồi, cố lên”. Phụ huynh nên nhớ, thành công hay chiến thắng với trẻ là vượt lên chính mình, tiến bộ hơn mỗi ngày. Trong bất kì hoàn cảnh nào, cũng khen ngợi con khéo léo, tránh làm con tự ti hoặc quá tự đại trước bạn bè.

Ví dụ:

Không nên: Con chơi bóng thật tốt, đâu có thua gì bạn X đâu.

Nên: Hay quá! Hôm nay con tâng được 10 lần bóng vậy là con làm tốt hơn hôm qua rồi đó.

Chỉ với một lời khen phù hợp, ba mẹ đã tiếp thêm “sức mạnh tinh thần” để trẻ tự tin với chính mình. Vậy nên hãy ghi nhớ 5 cách khen ngợi trẻ đúng trên, áp dụng và luyện tập mỗi ngày, và ba mẹ sẽ thấy con ngày càng trở nên tốt và tự tin hơn !

Nguồn: parentingforbrain





0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page