Khi nhắc đến sự thông minh, chúng ta sẽ ngay lập tức mường tượng hình ảnh của một nhà toán học đang giải phương trình, một tiểu thuyết gia đang viết những tác phẩm văn học vĩ đại, hay một triết gia đang giải thích về những triết lý cao siêu.
Trên thực tế, trí tuệ có nhiều dạng khác nhau, trong số đó trí tuệ cảm xúc là một trong những dạng trí tuệ đặc biệt cần thiết cho các nhà lãnh đạo vì nó có thể giúp chúng ta có khả năng thấu hiểu và quản lý cảm xúc.
Dưới đây là một vài đặc điểm nổi bật của trí tuệ cảm xúc đối với các nhà lãnh đạo:
1. Nhận thức nhanh nhạy
Một trong những đặc điểm nổi bật của Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận thức nhanh nhạy để hiểu được điều gì đang tác động đến cảm xúc của bản thân. Điều này đóng vai trò quan trọng giúp các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định đúng đắn dù phải đối mặt với ‘cái tôi’ và lòng kiêu hãnh của họ.
Ví dụ, nếu trước đây chúng ta bày tỏ sự ủng hộ đối với một chiến lược, thì niềm tin của chúng ta có thể sẽ gắn liền với nó và rất khó để nhận ra dù chiến lược ấy đi sai hướng. Tuy nhiên, đối với những nhà lãnh đạo sở hữu chỉ số trí tuệ cảm xúc cao, họ sẽ dễ dàng nhận ra những tác động của cảm xúc đến suy nghĩ và lập tức điều chỉnh những quyết định hợp lý hơn.
2. Thấu hiểu cảm xúc của người khác
Bên cạnh việc thấu hiểu cảm xúc bản thân, nhà lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc sẽ dễ dàng hiểu và phản hồi cảm xúc của nhân viên, đối tác, khách hàng một cách hiệu quả. Suy cho cùng, kinh doanh là một quá trình thấu hiểu cảm xúc của khách hàng để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ một cách tối ưu nhất.
Hơn thế nữa, trí tuệ cảm xúc cũng góp phần giúp các nhà lãnh đạo xây dựng niềm tin, sự trung thành của nhân viên dành cho công ty, từ đó gia tăng hiệu suất công việc vượt trội.
3. Quản lý sức khỏe tinh thần của nhân viên
Với khả năng thấu hiểu được cảm xúc của người khác, các nhà quản lý sẽ dễ dàng nhận ra những khó khăn tâm lý mà nhân viên của mình đang đối mặt. Từ đó sẽ kịp thời xây dựng những biện pháp cải thiện tinh thần nhân viên tại nơi làm việc.
4. Giao tiếp hiệu quả hơn
Khi nâng cao trí tuệ cảm xúc, nhà lãnh đạo có thể tạo được thiện cảm với người đối diện thông qua các cuộc đối thoại và khả năng tinh chỉnh thông điệp của mình để vừa đạt được hiệu quả công việc, vừa xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Hơn thế nữa, trí tuệ cảm xúc sẽ giúp các nhà lãnh đạo lắng nghe lời nói của người khác mà không hề có sự phán xét, giúp người đối diện dễ dàng đưa ra các thông tin cần thiết.
5. Hài hước một cách thông minh
Đừng bao giờ đánh giá thấp sự hài hước trong kinh doanh. Chỉ với một trò đùa hoặc một cách chơi chữ thông minh, bạn sẽ có thể khơi dậy nhiệt huyết của những nhân viên đang mất tinh thần hoặc chiếm trọn trái tim của những khách hàng đang hoài nghi. Trí tuệ cảm xúc có thể giúp các nhà lãnh đạo xác định được những tình huống nào sẽ phù hợp cho sự hài hước và cân bằng giữa công việc nghiêm túc và sự vui vẻ.
Tóm lại, bên cạnh trí thông minh (IQ), thì trí tuệ cảm xúc (EQ) cũng đóng vai trò như chiếc chìa khóa vàng’ trên hành trình trở thành nhà lãnh đạo thành công.
Nguồn: Forbes
Comments